Các chế độ bảo vệ an toàn của bếp từ
Đăng lúc: 30/11/2021
Đăng lúc: 30/11/2021
Bếp từ chỉ tiếp nhận các nồi chảo được làm bằng chất liệu nhiễm từ như gang, thép và inox. Đồng thời, kích thước đáy của nồi chảo cần phải phù hợp với những vòng tròn được ký hiệu trên bề mặt bếp từ, không quá nhỏ hoặc lớn hơn so với kích thước của những vòng bếp đó.
Nếu bạn không đáp ứng những tiêu chí trên, thì khi đặt nồi chảo lên bếp, màn hình hiển thị sẽ báo mã lỗi E0, khiến cho bếp không thể hoạt động được.
Nhiều người trong số chúng ta có thói quen làm khô bề mặt nồi chảo nóng trước khi cho vào thực phẩm để chế biến, nhất là khi chiên hoặc rán các loại thịt cá. Nếu sử dụng bếp gas thì không có gì đáng lo ngại, nhưng nếu dùng bếp từ thì bạn nên thay đổi thói quen này.
Vì đối với một số mẫu bếp từ, khi bạn đặt nồi chảo lên mặt bếp mà không có bất kì nguyên liệu nào bên trong lòng nồi, thì màn hình sẽ hiển thị mã lỗi E2 và bếp không thể hoạt động.
Tùy theo nhu cầu nấu nướng và thói quen sử dụng bếp từ, không ít người điều chỉnh nhiệt độ của bếp quá cao, đồng thời kéo dài thời gian sử dụng bếp. Thậm chí, thói quen này lặp lại liên tục sẽ trở thành nguyên nhân làm giảm tuổi thọ sản phẩm.
Vì khi nhiệt độ của bếp quá cao, các thiết bị điện tử bên trong sẽ bị làm nóng, hệ thống thông gió cũng sẽ hoạt động hết công suất và mặt kính bên ngoài bếp nóng liên tục, ảnh hưởng đến độ bền sản phẩm về lâu dài, nhất là có khả năng gây nguy hiểm cho người dùng.
Để tránh được hiện tượng này, bếp từ thường được trang bị cảnh báo quá nóng và sẽ xuất hiện mã lỗi E1 trên màn hình hiện thị.
Khi nấu những món có nước, bạn cũng có thể gặp trường hợp nước bên trong nồi bị trào ra ngoài. Điều này làm ảnh hưởng đến bề mặt bếp từ cũng như có thể len lỏi vào một số bộ phận bên trong của bếp, ảnh hưởng đến tuổi thọ sản phẩm.
Ở một số mẫu bếp từ, nhà sản xuất sẽ trang bị chức năng chống trào. Khi gặp phải hiện tượng này, bếp từ sẽ phát ra âm thanh cảnh báo và tự động ngắt bếp. Không những thế, ở một số mẫu bếp, sau khi cảnh báo xong cho người dùng, phần nước bị trào ra bên ngoài mặt bếp thì sẽ được làm lạnh trong vài giây nhờ hệ thống tản nhiệt nhanh của mặt bếp, giúp người dùng tránh bị bỏng trong quá trình xử lý nước bị tràn.
Hầu hết, bếp từ nào cũng được trang bị cơ chế tự động ngắt khi bạn không đặt nồi chảo lên bếp trong khoảng thời gian nhất định, thường khoảng thời gian ngắn 20 giây - 60 giây tùy theo mẫu bếp. Với cơ chế này giúp bạn yên tâm khi sử dụng và tiết kiệm điện một cách tối ưu.
Trường hợp điện áp nhà bạn đột ngột tăng cao hoặc quá thấp, đều ảnh hưởng đến sự hoạt động của bếp từ nói riêng cũng như các thiết bị điện trong nhà nói chung. Ở một số mẫu bếp từ, nhà sản xuất có trang bị chức năng cảnh báo nguồn điện không ổn định, nó sẽ báo lỗi E2 hoặc E3 trên màn hình hiển thị và tự động tắt bếp nếu như bạn đang nấu.
Lúc này, bạn nên kiểm tra lại nguồn điện, hoặc tốt nhất bạn nên sử dụng máy ổn áp để giúp nguồn điện trong nhà được ổn định hơn.
Hầu hết các mẫu bếp từ hiện nay đều được trang bị chế độ khóa trẻ em, giúp vô hiệu hóa các chức năng được cài đặt trên bếp. Do đó, việc sử dụng bếp từ phù hợp cho cả gia đình có trẻ nhỏ, vừa mang lại tính hiện đại trong không gian bếp vừa giúp người lớn an tâm hơn về những đứa trẻ nghịch phá trong nhà.